“MỘT CHỖ TRONG ĐỜI”: CÒN KHOẢNG TRỐNG NÀO TRONG CHÚNG TA?
- Tinh Nguyen
- Apr 25, 2020
- 4 min read
"Và để có những xúc cảm thấm thía hơn, chúng ta phải xâm nhập được vào khoảng trống trong tâm can họ, để biết được họ đã nỗ lực vượt qua áp lực từ khoảng trống ấy như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các tác phẩm văn học hay điện ảnh thường tạo ra mối đồng cảm gắn kết giữa công chúng độc giả với nhân vật bằng cách đẩy nhân vật vào giữa những khoảng trống đầy bất trắc và phải tìm mọi cách, mọi nỗ lực để vượt qua khoảng trống ấy nhằm tìm ra chỗ đứng của mình trong thế giới."
Phạm Trần Lê, tạp chí Tia sáng 2013

Tỉnh biết cuốn “một chỗ trong đời” (Annie Ernaux, 1983) qua việc gửi tặng của một người bạn ở Hà Nội trên facebook (không hề liên quan đến tui), nhưng để đọc được cuốn sách thì phải tận đến bây giờ. Kỳ thực Tỉnh rất ngưỡng mộ các bạn quanh mình, tự học, tự tìm thấy toàn những thứ hay ho. Văn học nước ngoài - những tác phẩm hiện đại với mình là một điều rất xa lạ, mà khi còn học cấp ba mình đã bỏ qua cơ hội tự tiếp cận và tìm tòi.
(đôi khi sự cổ hủ của Tỉnh trước số hóa đã tự kìm hãm mình ít nhiều).
Ghé qua về tác giả Annie Ernaux, sinh ra và lớn lên tại Normandie sau đó bà học đại học tại Rouen và trở thành giáo viên dạy văn học. Trong lời trích của cuốn sách “bà có xuất thân khá khiêm tốn, bố mẹ ban đầu là công nhân và sau đó trở thành tiểu thương. Điều này đã cản trở thành công của bà trong xã hội”, Tỉnh suy nghĩ không biết có nên đặt dẫn vào lời giới thiệu về một người không. Rằng có hay không sự xuất thân cản trở sự phát triển của một con người?
Phong cách của nhà văn có thể bị chi phối khá nhiều, sau khi xuất bản tác phẩm, “bà từ bỏ văn học thuần hư cấu để theo đuổi thể loại tự truyện, với một lối viết trung tính, khách quan, không ẩn dụ, mơ mộng”. Với chất liệu từ cuộc đời riêng, Một chỗ trong đời kể về cuộc đời người cha - một người bình thường với xuất thân nông dân rồi trở thành công nhân, một người với cuộc đời luôn sợ sệt đi quá giới hạn, vừa sống như chính bản chất của mình trong vô thức, vừa muốn chối bỏ xuất thân của chính mình, một người cố gắng để cho con học hành tử tế và có thể có cuộc sống tốt hơn khi được bước vào giới tiểu tư sản.
Nhưng chính khoảng cách giữa hai tầng lớp, giai cấp trở thành một khoảng cách cản trở sự gắn kết của cha con. Những khoảng trống vô hình được lột tả qua một giọng văn lạnh lùng, một lối viết hờ hững vô cảm “không một chút thi vị của hồi ký” về chính cha mình của người con gái.
Cuốn sách làm Tỉnh nghĩ ngợi về vài thứ, về khoảng trống của chúng ta trong cuộc đời, có hay không tầng lớp là sự cản trở việc chúng ta đồng tri, thấu hiểu cho nhau?
Cứ làm bản thân nâng lên, tốt lên thì mình sẽ tìm thấy một nhóm người có một số sở thích tương đồng với mình. Không, không phải như bậc thang việc đó giống như chúng ta là thực thể đi hết từ thửa ruộng này qua thửa khác và tìm thấy một đặc điểm môi sinh tương thích.
Cũng xuất phát từ một gia đình nông dân, khoảng cách mình và ba má là khoảng cách giữa hai thế hệ, khoảng cách giữa người đi ra từ đau thương, đói khổ của chiến tranh và giữa người sống trong hòa bình, no đủ, trong sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Hai thế hệ hẳn là có nhiều sự khác nhau trong cách nhìn nhận và suy nghĩ. Mình lại nghĩ đến nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao, bi kịch của anh không chỉ là bi kịch của một người nghệ sĩ bị gánh nặng cơm áo, gạo tiền ghì chặt mà ở đây còn là bi kịch của một người trí thức bất lực trước khả năng của mình, bất lực trước thời cuộc khốn khổ, bần cùng. Cái đau của con người là cái đau nhận thức, “thà không biết mình khổ thì không khổ”.
“Tôi viết chậm. Cố công vạch ra nền móng của một cuộc đời trong tổng thể các sự kiện và lựa chọn, tôi có cảm tưởng sẽ dần đánh mất đi vẻ đẹp riêng của cha tôi. Cái khung nền có nguy cơ mất vị trí, còn ý nghĩ thì cứ chạy tán loạn. Ngược lại nếu tôi để những ký ức đó len lỏi vào thì tôi sẽ nhìn thấy con người của chính cha tôi nụ cười của ông, dáng đi của ông, ông nắm tay tôi đi hội chợ, chơi vòng quay ngựa và điều đó là tôi phát sợ…”
Những dòng cuối của một chỗ trong đời như cái gì đó không thể trở lại như những chữ viết chẳng thể lui mà người viết cố níu lại, cố ghì chặt chậm hơn mọi thứ đang chảy trôi. Sự thật đau đớn của người con gái chính là tình thương cho một người cha một đời “luôn sợ hãi đi quá giới hạn”, nhưng đó lại là tình thương trống trải, khoảng trống lớn nhất là sự đồng cảm, hiểu ông như chính bản chất con người ông. Cô con gái chẳng thể quay ngược lại mọi thứ, cứ thể để mọi thứ chảy đi, mờ nhạt, níu kéo. Khoảng trống địa vị có phải là nỗi đau hay không? Nhưng nỗi đau của việc xa rời lòng thấu hiểu con người thật lạnh lùng đến đau đớn.
Sực nhớ đến giai đoạn phong trào Thơ Mới, như một sự phản ứng trước thời cuộc của người tri thức, người Điên loạn trong hành tinh lạnh lẽo, người hăng say trong vị tình yêu, và ít người trở lại với thực tại không lối thoát. Có thể nhận thức đôi khi là nỗi đau khi con người ta đang thấy mình trở nên bất lực, yếu thế trước những phản ứng với thời cuộc.
Comments